Trang chủ Giới thiệu chung SGTVT

A. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26 tháng 11năm 2003 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XI kỳ họp thứ 4, về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ngày 01/01/2004 Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Lai Châu ra quyết định số 01/QĐ-UBLT về việc thành lập các Sở, Ban ngành tỉnh Lai Châu, trong đó có Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu.

Khi mới chia tách, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến quốc lộ (4D; 12; 32; 100; 279) với tổng chiều dài 318,57 Km chủ yếu là đường cấp VI, cấp V miền núi, mặt đường rải nhựa nhưng bề rộng mặt đường nhỏ 3,5m. Hệ thống thoát nước về cơ bản chưa được kiên cố hóa. Hệ thống đường tỉnh gồm 4 tuyến (127; 128; 129; 132) với tổng chiều dài 216 km chủ yếu là đường cấp phối, mùa mưa thường xuyên xảy ra sạt lở, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Hệ thống đường huyện, liên xã trên địa bàn tỉnh khi vừa mới chia tách có tổng chiều dài 912,5 Km, trong đó chủ yếu là đường cấp phối và đường đất. Số xã có đường đến trung tâm 79/98 xã, trong đó có 61 xã có đường ô tô đi lại thuận lợi các mùa. Hệ thống đường thôn bản dân sinh có tổng chiều dài 1.458,9 km chủ yếu là đường đất, chỉ đi lại được vào mùa khô, trong đó có 592 bản có đường xe máy đi lại thuận lợi.

Cùng với việc chia tách tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã chia tách bộ máy quản lý từ Sở GTVT Lai Châu (cũ) sang Sở GTVT Lai Châu (mới) có đồng chí Nguyễn Kiên Trung Phó giám đốc Sở và một số cán bộ, chuyên viên của các phòng, ban thuộc Sở, các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở. Đồng chí Đoàn Đức Long - Giám đốc Công ty Tư vấn khảo sát thiết kế giao thông được điều động và bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở và tiếp nhận toàn thể cán bộ CNVCLĐ Công ty quản lý sửa chữa đường bộ III, tháng 3/2004 tiếp nhận số Cán bộ CNVCLĐ của Công ty quản lý sửa chữa đường bộ I Điện Biên quản lý tuyến Quốc lộ 12, đường tỉnh 127, 128 và tiếp nhận toàn thể cán bộ CNVCLĐ thuộc Công ty quản lý sửa chữa đường bộ II Lào Cai, quản lý tuyến Quốc Lộ 32, Quốc lộ 279 về Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ III. Tháng 5 năm 2004 UBND tỉnh Lai Châu Quyết định thành lập Công ty quản lý sửa chữa Cầu đường I trên cơ sở chia tách đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ III, tháng 8 năm 2004 Bến xe khách tỉnh Lai Châu được thành lập và đến tháng 3 năm 2006 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được thành lập.

Sau khi chia tách tỉnh; dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức lao động Sở GTVT tỉnh Lai Châu đã và đang vượt qua mọi khó khăn, ra sức phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua nhằm tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ và vững chắc, tạo đà cho sự phát triển hệ thống GTVT trên phạm vi toàn tỉnh theo hướng bền vững. Sau gần 15 năm kể từ khi chia tách tỉnh đến nay ngành GTVT Lai Châu đã đạt được những thành tích rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Lai Châu, được thể hiện trên các lĩnh vực sau đây:

1. Lĩnh vực giao thông:

a) Phát triển giao thông đường bộ:

Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang được tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở mới theo đúng quy hoạch về phát triển Giao thông vận tải, giai đoạn 2013 – 2020 và định hướng đến năm 2030, tại các Quyết định: số 1854/QĐ-UBND ngày 26/3/2013, số 1518/QĐ-UBND ngày 18/12/2015 và số 1468/QĐ-UBND ngày 27/10/2016. Cụ thể về hiện trạng hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh như sau:

- Quốc lộ: Trên địa bàn tỉnh có 07 tuyến quốc lộ, gồm: QL.12, QL.4D, QL.100, QL.32, QL.279, QL.4H và QL.279D với tổng chiều dài 515,40Km; quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật từ cấp Vmn đến cấp IVmn, có bề rộng nền từ 6,5m – 7,5m, mặt đường rộng từ 3,5 – 5,5m; kết cấu mặt đường Bê tông nhựa và đá dăm láng nhựa, công trình thoát nước xây dựng vĩnh cửu. Riêng các đoạn đường chạy qua nội thị (thành phố, thị trấn) có quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật được đầu tư theo quy hoạch. Quá trình quản lý, vận hành khai thác được đảm bảo, các phương tiện tham gia giao thông đi lại thuận lợi. Có mật độ đường theo diện tích là 5,68Km/100Km2.

- Đường tỉnh: Hệ thống đường tỉnh trên địa bàn tỉnh có 10 tuyến, gồm: ĐT.127, ĐT.128, ĐT.129, ĐT.129B, ĐT.130, ĐT.132, ĐT.133, ĐT.134, ĐT.135, và ĐT.136 với tổng chiều dài 500,80Km; quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật từ cấp VImn đến Vmn, có bề rộng nền từ 6,0m – 6,5m, mặt đường rộng từ 3,5 – 5,5m; kết cấu mặt đường Bê tông nhựa và đá dăm láng nhựa, công trình thoát nước vĩnh cửu. Các tuyến đường này đang phát huy khả năng khai thác tốt, đi lại đảm bảo thuận lợi. Mật độ đường theo diện tích 5,52Km/100Km2.

- Đường đô thị: Tổng chiều dài 144,70Km tập trung chủ yếu ở Tp Lai Châu. Kết cấu hạ tầng của đường đô thị được đầu tư cơ bản đồng bộ, vĩnh cửu; mặt đường thảm bê tông nhựa và láng nhựa.

- Đường giao thông nông thôn (GTNT): Trên địa bàn toàn tỉnh, hệ thống đường GTNT có tổng chiều dài 5.263,47Km. Mật độ đường trên diện tích là 58,04Km/100Km2. Hiện nay toàn tỉnh có 7 huyện, 01 thành phố, 108 xã, phường, thị trấn (bao gồm 12 phường, thị trấn và 96 xã).

+ Số xã có đường ô tô đến trung tâm xã là 96/96 xã, đạt tỷ lệ 100%;

+ Số xã có đường ô tô đến trung tâm xã mặt đường được cứng hóa là 95/96 xã, đạt tỷ lệ 98,96% (theo chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2018); còn 01 xã Nậm Chà đang thi công, sẽ hoàn thành trong năm 2019.

+ Tỷ lệ thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận lợi là 88,5% (theo chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2018).

Kết cấu mặt đường của hệ thống đường GTNT được cứng hóa đạt khoảng 37,82% còn lại chủ yếu là rải cấp phối và đường đất.

b) Giao thông đường thủy nội địa:

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 03 tuyến sông chính: Sông Đà, Sông Nậm Na và sông Nậm Mu. Việc xây dựng các công trình thủy điện đã hình thành các lòng hồ lớn, ngoài nhiệm vụ cung cấp nguồn điện năng, nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản và hình thành các khu du lịch sinh thái, giải trí, …

Về hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ đã quy hoạch và được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt tại Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 07/7/2014 giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

Hiện tại các luồng tuyến ĐTNĐ mới được công bố luồng tuyến từ Sơn La  - Lai Châu, còn lại chưa được công bố luồng tuyến để quản lý khai thác; do chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (khảo sát luồng tuyến, lắp đặt các phao tiêu báo hiệu, biển chỉ dẫn, các cảng đường thủy, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông,.. Hoạt động vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện nay đang diễn ra tự phát, nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sinh đi lại làm nương rẫy và đánh bắt thủy sản của người dân sống dọc hai bên bờ.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ, trên địa bàn tỉnh có tổng số 25 bến thủy và 01 cảng chuyên dùng.Các bến thủy và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động lĩnh vực vận tải thủy chưa được đầu tư xây dựng, hiện tại mới đầu tư xây dựng được 01 cảng chuyên dùng tại thủy điện Lai Châu.

2. Lĩnh vực vận tải

a) Năm 2004: Tỉnh Lai Châu được lập với rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong hoạt động vận tải. Hầu hết nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá tại tỉnh đều do các doanh nghiệp vận tải ngoài tỉnh đảm nhận cụ thể:

- Về vận tải hành khách:

+ Tổng số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tại địa bàn tỉnh Lai Châu: 11 doanh nghiệp.

+ Tổng số đầu xe tham gia khai thác: 30 xe (chủ yếu của các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái).

+ Tổng số tuyến vận tải khách: 10 tuyến (trong đó có 4 tuyến liên tỉnh; 6 tuyến nội tỉnh).

+ Tổng số bến xe trên địa bàn tỉnh: 02 bến (bến Than Uyên; Thị xã).

+ Chất lượng phương tiện còn thấp, tải trọng nhỏ chủ yếu là các xe có tải trọng từ 16-25 ghế.

+ Khối lượng vận chuyển hành khách đạt gần 100.000 lượt người/năm.

- Về vận tải hàng hoá: Các xe vận chuyển hàng hoá chủ yếu là của các tỉnh bạn đảm nhận việc vận chuyển, cung cấp các mặt hàng thiết yếu đến Lai Châu, trên toàn tỉnh chỉ có gần 200 xe vận chuyển hàng hoá trọng tải nhỏ dưới 10 tấn.

- Vận tải thuỷ nội địa: Việc tiến hành thống kê, đăng ký theo dõi số lượng phương tiện thuỷ nội địa đã được tiến hành từ năm 2004, điều kiện phát triển vận tải thuỷ nội địa là rất hạn chế, do vậy số lượng phương tiện thuỷ nội địa tại địa bàn tỉnh chủ yếu là phương tiện phục vụ gia đình của người dân dọc các tuyến sông.

b) Năm 2018: Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu vận chuyển hàng hoá, đi lại của nhân dân tăng cao ngành vận tải tỉnh Lai Châu đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng cụ thể:

- Về vận tải hành khách:

+ Tổng số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tại địa bàn tỉnh Lai Châu: 49 doanh nghiệp.

+ Tổng số đầu xe tham gia khai thác: 138 xe (đã có sự tham gia khai thác của nhiều điạ phương trong cả nước).

+ Tổng số tuyến vận tải khách:48 tuyến (trong đó có 35 tuyến liên tỉnh; 13 tuyến nội tỉnh).

+ Tổng số bến xe trên địa bàn tỉnh: 05 bến.

+ Chất lượng phương tiện đã có sự phát triển vượt bậc với các xe khách chất lượng cao, tải trọng lớn từ 35 đến 47 ghế.

+ Khối lượng vận chuyển hành khách đạt gần 813.000 lượt người/năm.

- Về vận tải hàng hoá: Các xe vận chuyển hàng hoá đã có sự chuyển biến tích cực bước đầu đã dần đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá trên địa bàn tỉnh, trên toàn tỉnh đã có gần 3.600 xe vận chuyển hàng hoá, trong đó số lượng lớn phương tiện vận tải có tải trọng lớn ngày một tăng.

- Vận tải thuỷ nội địa: Đã có sự phát triển tương đối lớn về số lượng phương tiện vận tải thuỷ nội địa hoạt động trên khu vực lòng hồ thuỷ điện Sơn La với trên 1.700 phương tiện đã được thống kê, quản lý.

B. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA SỞ SGTVT

I. Vị trí và chức năng

1. Sở Giao thông vận tải Lai Châu là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: đường bộ, đường thủy nội địa; vận tải; an toàn giao thông; quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông gồm: Cầu đường bộ, hè phố, cầu vượt, cầu dành cho người đi bộ, hầm dành cho người đi bộ, hầm cơ giới đường bộ, đường phố, dải phân cách, hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu điều khiển giao thông, bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn Tỉnh.

2. Sở Giao thông vận tải có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giao thông vận tải.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Ủy ban nhân dân Tỉnh:

a) Dự thảo quyết định, chỉ thị, quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm, chương trình, dự án về giao thông vận tải; các biện pháp tổ chức thực hiện cải cách hành chính về giao thông vận tải thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao;

b) Dự thảo văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải Lai Châu;

c) Dự thảo văn bản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với Trưởng, Phó các đơn vị trực thuộc Sở; tham gia với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo quy định về tiêu chuẩn chức danh Trưởng, Phó Phòng quản lý đô thị hoặc Phòng kinh tế và hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trực thuộc Tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý;

d) Các dự án đầu tư về giao thông vận tải thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân Tỉnh.

2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh:

a) Dự thảo quyết định, chỉ thị cá biệt thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh về giao thông vận tải;

b) Dự thảo quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải theo quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh dự thảo quyết định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập do Sở Giao thông vận tải quản lý theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ.

3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông vận tải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.

4. Về kết cấu hạ tầng giao thông:

a) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo phân cấp của tỉnh;

b) Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông đường bộ, đường thủy nội địa địa phương đang khai thác thuộc trách nhiệm của tỉnh quản lý hoặc được ủy thác quản lý;

c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn giao thông và công trình giao thông trên địa bàn theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;

d) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định: phân loại đường thủy nội địa; công bố luồng, tuyến đường thủy nội địa theo thẩm quyền; phân cấp cho Ủy ban nhân dân huyện cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo quy định của pháp luật. Chấp thuận chủ trương xây dựng cảng, bến thủy nội địa; công bố cảng thủy nội địa; cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo thẩm quyền;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống đường tỉnh, các đường khác theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;

e) Thiết lập và quản lý hệ thống báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa địa phương trong phạm vi quản lý;

g) Có ý kiến đối với các dự án xây dựng công trình trên đường thủy nội địa địa phương và tuyến chuyên dùng nối với tuyến đường thủy nội địa địa phương theo quy định; cấp phép thi công trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa đang khai thác do địa phương quản lý hoặc Trung ương ủy thác quản lý;

h) Tổ chức thực thi các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước tại bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa do địa phương quản lý.

5. Về phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải (trừ phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh) và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải:

a) Tổ chức thực hiện việc đăng ký phương tiện giao thông đường thủy nội địa; đăng ký cấp biển số cho xe máy chuyên dùng của tổ chức và cá nhân ở địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải;

b) Tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải;

c) Thẩm định thiết kế kỹ thuật trong sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải;

d) Tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận học tập pháp luật cho người điều khiển phương tiện giao thông, người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải; cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, cấp giấy phép xe tập lái của các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn; cấp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép và quản lý việc đào tạo lái xe đối với các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải.

6. Về vận tải:

a) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Tổ chức thực hiện việc quản lý vận tải đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh theo quy định; cấp phép vận tải quốc tế, cấp phép lưu hành đặc biệt cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Giao thông vận tải;

c) Hướng dẫn, kiểm tra xây dựng và công bố bến xe, điểm đỗ xe taxi, điểm đón, trả khách trên địa bàn theo quy hoạch được phê duyệt; quản lý các tuyến vận tải hành khách; tổ chức quản lý dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn;

d) Quyết định theo thẩm quyền việc chấp thuận cho tổ chức, cá nhân vận tải hành khách trên tuyến cố định đường bộ và đường thủy nội địa theo quy định.

7. Về an toàn giao thông:

a) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không xảy ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp xử lý tai nạn giao thông trên địa bàn khi có yêu cầu;

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm công trình giao thông, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông;

c) Là cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông tỉnh theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;

d) Thẩm định an toàn giao thông theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

đ) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về tổ chức giao thông trên mạng lưới giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật.

8. Tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.

9. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đối với các hội và tổ chức phi chính phủ thuộc lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật.

10. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về giao thông vận tải đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện.

11. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý của Sở theo phân cấp của Ủy ban nhân dân  tỉnh và quy định của pháp luật.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định của pháp luật và phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ.

13. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và bảo vệ công trình giao thông, bảo vệ hành lang an toàn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi nhiệm vụ được giao; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

14. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở theo hướng dẫn chung của Bộ Giao thông vận tải và theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

15. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

16. Quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

17. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan

Danh sách số điện thoại đường dây nóng các phòng ban sở GTVT(05/07/2017 3:38:06 CH)

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN; CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA SỞ (06/06/2017 10:37:12 SA)

CƠ CẤU TỔ CHỨC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI(30/04/2016 2:56:03 CH)

SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI(06/10/2014 9:34:24 SA)

2190 người online

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH LAI CHÂU - SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Địa chỉ: Tầng 6, nhà F, khu trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Lai Châu

Điện thoại: 02313.876.597 Fax: 02313.876.717

Email: So.GTVT-laichau@chinhphu.vn

Ghi rõ nguồn www.sgtvt.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này.


...
Thiết kế bởi 0838.946.169